Lịch sử hình thành Đoàn_Chèo_Phú_Thọ

Đoàn nghệ thuật Chèo Phú Thọ ra đời từ năm 1959, với tên gọi "Đoàn văn công nhân dân Phú Thọ". Chương trình biểu diễn của đoàn chủ yếu là những tiết mục ngắn, những ca khúc, hoạt cảnh, tốp ca phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của địa phương và đồng bào ở nông thôn, miền núi, công nhân các nông- lâm trường… Nhiều vở chèo truyền thống như: Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Lọ nước thần, Thạch Sanh Lý Thông… của đoàn chèo Phú Thọ đã được công chúng đón nhận.[1]

Những năm tháng chống Mỹ, Đoàn chèo Phú Thọ đã 2 lần cử cán bộ, diễn viên tham gia đoàn văn công xung kích Trung ương vào phục vụ nhân dân và chiến sĩ tại tuyến lửa Quảng Bình và chiến trường miền Nam. Đoàn đã mang đến cho các chiến sĩ, đồng bào những vở diễn mang tính thời sự nóng bỏng như: Lá thư trận địa; Lòng già ý trẻ; Cây súng gồ; Bà má Long Châu Sa; Con gà chân chì; Anh lái xe và cô chống lầy; Đường về trận địa…

Cũng như nhiều ngành nghệ thuật truyền thống, có một thời do những khó khăn về điều kiện kinh tế và những quan niệm chưa đầy đủ về nghệ thuật, nên nghệ thuật chèo nói chung và Đoàn chèo Phú Thọ nói riêng đứng trước những khó khăn. Và hệ quả của tình trạng này là sự giảm sút khán giả, giảm sút chất lượng nghệ thuật. Nhưng ở Đoàn chèo Phú Thọ và mà cả ở những làng chèo nông thôn, sức sống của bộ môn nghệ thuật Chèo dần dần trỗi dậy. Tiếng hát chèo có vai trò góp phần chấn hưng văn hoá dân tộc, "xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc".

Những vở diễn đã làm nên dấu ấn cho Đoàn Nghệ thuật chèo Phú Thọ như: "An Tiêm Nàng út"; Công chúa Tô Lan, Hoàng tử Pôn Nu Vông; Tình yêu Yến Hoa; "Má hồng trong cuộc đỏ đen"; "Mái ấm tình quê"; “Chọn mặt gửi vàng"; "Nữ tướng Thục Nương"... Đây là những vở diễn đem lại hiệu ứng sân khấu, tác động mạnh mẽ đến đời sống sân khấu, góp phần nâng cao đời sống văn hoá tình thần của nhân dân đất Tổ.[2] Trải qua các thời kỳ hoạt động, đến nay Đoàn đã có 4 nghệ sĩ ưu tú: Dương Thị Ánh Tuyết, Bùi Đức Hạnh, Dương Thị Hải Yến; Nguyễn Quốc Giới và các diễn viên, nhạc công tài năng như: Xuân Mùi, Minh Luân, Minh Thân, Phan Thiết, Kim Định, Kim Chi, Chử Long, Huy Cảnh, Thu Nga, Quốc hội, Văn Tân, Duy Mạnh, Ngọc Quỳnh…

Những năm gần đây đoàn là đơn vị đăng cai các chương trình Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam với các trích đoạn chèo cổ "Xã trưởng mẹ đốp"; "Quan âm Thị Kính"; "Từ Thức gặp Tiên"; "Chinh phụ hai chồng"; "Vợ chồng thuyền chài"… và các chương trình nghệ thuật tổng hợp như: Hát xoan, hát ghẹo, dân ca đồng bằng trung du Bắc Bộ. Đoàn cũng chuẩn bị các tiết mục để dự thi liên hoan hát Chèo như "An Tiêm - nàng Út". "Lưỡng Quốc trạng nguyên" và Vở chèo hiện đại "Má hồng trong cuộc đỏ đen".